Nhận xét Trịnh_Công_Sơn

Ngày xưa tôi rất quý anh Trịnh Công Sơn và ngược lại. Tôi yêu sự chân thành, dễ thương và trân trọng, tài năng của con người đó. Mặc dù, âm nhạc của anh ấy không phải là cái gì quá ghê gớm nhưng có mấy ai mà có cả đủ tâm lẫn tài như thế.[65]
— Phú Quang
Lời ca trong ca khúc Trịnh Công Sơn đã tạo nên tên tuổi Trịnh Công Sơn[66]
— Bửu Ý
Tình yêu trong nhạc của anh là những cảm xúc dữ dội như trái phá con tim mù lòa, như nỗi chết cơn đau thật dài, như vết thương mở rộng... Cuộc đời là hư vô chủ nghĩa, con người sống trong cảnh Chúa, Phật bỏ loài người. Cuộc đời còn là đám đông nhưng cũng là quán không. Con người là cát bụi mệt nhoài, bao nhiêu năm làm kiếp con người, chợt một chiều tóc trắng như vôi... Tất cả nói lên sự muộn phiền, đau đớn... Buồn tủi cho thân phận con người nên nhánh cỏ cũng xót xa, phiến đá cũng ưu phiền, và chỉ còn những mưa và mưa để xoa dịu vết thương mở lớn! (...)... Trịnh Công Sơn nói lên nỗi bàng hoàng của con người khi thấy cái chết nằm ngay trong sự sống (...) Nguyễn Đình Toàn gọi nhạc Trịnh Công Sơn là những bản tình ca không có hạnh phúc, những bài hát cho quê hương đổ vỡ. Cũng là phản ứng của người đau đớn trước hoàn cảnh đất nước, nhưng nó là sự chịu đựng và chết lịm hơn là sự nổi sùng và chửi bới. (...)...Về phần nhạc, toàn thể ca khúc Trịnh Công Sơn không cầu kỳ, rắc rối vì nằm trong một số nhạc điệu đơn giản, rất phù hợp với tiếng thở dài của thời đại. Bài hát chỉ cần một chiếc đàn guitare đệm theo, nếu hòa âm phối khí rườm rà thì không hợp với những bài hát soạn theo thể ballade này.[67]
— Phạm Duy, 1991
Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người của thơ ca (Chantre) bởi ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ... Trong âm nhạc của Sơn, ta không thấy dấu vết của âm nhạc theo cấu trúc bác học phương Tây. Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra[68]
— Văn Cao
..., tình ca Trịnh Công Sơn không hẳn chỉ là 1 bông hồng dâng tặng – nó chứa đựng tất cả tâm trạng lo âu của con người nhìn ra thế giới hiện đại [69]
— Hoàng Phủ Ngọc Tường, 1991
Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ có nhiều người hâm mộ nhất. Đi đến đâu, tôi cũng thấy người ta hát ca khúc của anh. Nhạc Trịnh không chỉ ngự trị khắp mọi xó xỉnh của xứ Việt này mà còn len lỏi đến tận những ngóc ngách sâu thẳm nhất trong cõi tinh thần của người Việt ở Hải ngoại. Dường như ở đâu, Trịnh Công Sơn cũng có người yêu mến.[70]
— Trần Đăng Khoa
Anh yêu nhạc Trịnh Công Sơn, như thế có nghĩa anh là người tử tế...

...Nhạc anh Sơn rất đặc biệt. Bài nào cũng chỉ phất phơ có mấy nét thôi, cứ như là nhạc của trẻ con ấy. Nhưng nghe là nhớ ngay. Trịnh Công Sơn đã đạt được đến độ cao nhất của nghệ thuật. Đó là sự giản dị... Người hát hay nhất nhạc Trịnh chính là Trịnh Công Sơn. Sau Trịnh mới đến Khánh Ly. Sau Khánh Ly là không còn ai nữa. Hồng Nhung chỉ hát tàm tạm được một đôi bài....

...Mặc dù nhạc Cách mạng của các anh rất hay. Hầu nh­ư bài nào cũng hay. Khoẻ khoắn, hùng tráng. Nhưng đó là nhạc hội hè, nhạc vui. Nhạc cho tất cả mọi người. Hầu hết nhạc sĩ các anh đều viết cho đám đông. Người ta hát khi vui, hát ở chỗ đông người. Còn nhạc anh Sơn là nhạc chỉ dành cho một người. Khi nào buồn, khi nào cô đơn đến tuyệt vọng mà không còn biết bấu víu vào đâu nữa, ngư­ời ta tìm về với Trịnh. Trịnh sẽ đón họ, nâng đỡ an ủi họ. Vì thế, tôi mới bảo Trịnh Công Sơn là một nửa âm nhạc Việt Nam....

...Tôi rất yêu nhạc Trịnh. Yêu như một tín đồ của anh ấy. Nhưng cũng phải thành thật mà nói rằng, nhạc Trịnh nghe lẻ từng bài thì hay. Nhưng nghe cả một cuộn băng thì lại thấy mệt vì đơn điệu. Ông Văn Cao của các anh đa dạng hơn nhiều, phong phú hơn nhiều, mặc dù so với Trịnh Công Sơn, ông ấy viết rất ít...[70]

— Frank Gerke
..Nhưng giai điệu, tiết tấu và ca từ của nhạc Trịnh đa phần là sự bi lụy, ai oán về thân phận… Nếu là tác phẩm lớn luôn phải chứa đủ ba yếu tố (tư, tứ, tự), trong cái tư, tứ, tự đó thì cái “tư” tức là cái tư tưởng phải đi đầu… nhưng tư tưởng của Trịnh thì luôn luôn hướng đến cho người nghe sự chấp nhận, cam chịu số phận nhiều hơn. Tính từ bi trong nhạc Trịnh cũng chỉ là sự kêu gọi hời hợt, không có đường dẫn, không có con đường… đôi khi sẽ làm cho một số người bị lạc lối đời sống, mù mờ về vũ trụ nhân sanh.[71]
— Đoàn Quang Anh Khanh
...Tôi thậm chí càng thấy rõ nhạc Trịnh đã ảnh hưởng luôn cả cách hành xử của một số người. Vì họ nhu nhược, tự kỷ quá lâu nên mới hành xử như kiểu “va xe ngoài đường”. Tư tưởng trong nhạc Trịnh vẫn còn đó sự hẹp hòi, loanh quanh luẩn quẩn không lối ra… nhạc thì tối, mang đầy âm khí. Chẳng thấy có cái gì cao siêu ở đây để mà thờ cả![72]
— Đoàn Quang Anh Khanh

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trịnh_Công_Sơn http://poeticinvention.blogspot.com/2007/03/trinh-... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/761371 http://www.dactrung.com/Bai-bv-50-Cuoc_song_khong_... http://www.gio-o.com/HoangXuanSon/HoangXuanSonQuan... http://www.phamduy.com/document/hoiky/hoiky3/chuon... http://i64.tinypic.com/28w2k35.jpg http://www.trinh-cong-son.com/buuchi.html http://www.trinh-cong-son.com/dangtien.html http://www.trinh-cong-son.com/tcstho.html http://www.trinh-cong-son.com/tcsvan1.html